Ngày 26 tháng 02 năm 2017, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
|
|
|
|
Hội thảo do: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Chỉ đạo, Chủ nhiệm Đề án, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật, đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học là thành viên Hội đồng Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm, Ban thư ký, Văn phòng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, đại diện của 36 Ban biên soạn chuyên ngành (các nhà khoa học là Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Thư ký khoa học); đại diện các cơ quan trung ương.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến nay các tổ chức chuyên môn của Đề án đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hội đồng Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm đã ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức thực hiện Đề án, trong đó có Quy chế Tổ chức và hoạt động của các Ban biên soạn chuyên ngành. Các bản quy chế này đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức. Các bản quy chế có thể sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện Đề án.
|
|
|
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Chỉ đạo, Chủ nhiệm Đề án, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo |
Ban Chủ nhiệm cũng đã chỉ đạo và đang thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành cuốn "Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam" với những nội dung thiết thực cho việc biên soạn. Đó là những vấn đề bao quát chung, thống nhất các nguyên tắc quan trọng cho việc biên soạn các quyển trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Chẳng hạn, quy định cụ thể về cấu trúc các quyển - cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô, các loại hình mục từ ngắn, trung bình, dài và rất dài, biên soạn các mục từ mẫu; Quy tắc chính tả tiếng Việt; Quy tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; Quy tắc phiên chuyển tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt... Cuốn cẩm nang này sẽ sớm được xuất bản và gửi tới tất cả các nhà khoa học tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Như vậy, có thể nói "Hành lang pháp lý" đã hình thành khá rõ nét, tạo điều kiện để thực hiện Đề án trong những năm tới.
Hội đồng sẽ quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong biên soạn, kiên trì chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong việc sưu tầm, lựa chọn đánh giá các sự kiện và tư liệu, tôn trọng phương châm dân chủ trong khoa học, có thái độ khách quan khi giới thiệu các tri thức văn hóa, khoa học. Đối với những vấn đề học thuật còn chưa nhất trí về mặt quan điểm cần phản ánh đầy đủ, khách quan các học thuyết khác nhau. Bách khoa toàn thư Việt Nam phải mang đặc điểm và sắc thái Việt Nam, chú trọng giới thiệu đậm nét các di sản lịch sử văn hóa, các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ và mọi mặt hoạt động chính trị, kinh tế của đất nước.
Cho đến nay, có nhiều Ban biên soạn chuyên ngành đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Thuyết minh Nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng đề cương quyển chuyên ngành". Có 30/37 Ban đã gửi về Ban Chủ nhiệm bản Thuyết minh, Dự toán kinh phí và Danh sách các nhà khoa học dự kiến tham gia xét duyệt Thuyết minh nhiệm vụ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Mỗi Ban sẽ biên soạn một quyển chuyên ngành trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 37 quyển, các quyển này có số trang tương đương nhau (1.500-2.000 trang) sẽ có khoảng 2.000-2.500 mục từ (với dung lượng bản thảo khoảng 6.000 trang khổ A4 đánh máy). Khi đi vào biên soạn các mục từ sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm từ các nước có nền bách khoa tiêu biểu và lâu đời như Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc... Từ việc kế thừa tri thức của các cuốn bách khoa đã có trên thế giới cả về tri thức chung, tri thức riêng của từng quốc gia, Việt Nam sẽ biên soạn để bổ sung và hoàn thiện các tri thức của Việt Nam; theo đó tri thức của Việt Nam sẽ chiếm 70% và tri thức của thế giới sẽ là 30% (riêng các chuyên ngành có đặc thù riêng, tỷ lệ sẽ khác). Việc biên soạn này cần phải đảm bảo tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc và tính hiện đại như mục tiêu Đề án đã đề ra. Cần học tập kinh nghiệm biên soạn đối với từng loại hình mục từ, đặc biệt với các mục từ về nhân danh (các tác giả, nhân vật). Cần có thái độ thực sự khách quan, khoa học và trung thực và nhất là cũng cần có đủ thời gian trong nhận xét đánh giá (lựa chọn những tác giả, nhân vật đã định hình, có khoảng lùi thời gian nhất định, đã được dư luận đánh giá và nhận xét tương đối thống nhất).
Toàn cảnh Hội thảo |
Các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã sôi nổi trao đổi, thảo luận về các vấn đề cơ bản của việc soạn thảo bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Đó là những vấn đề về cấu trúc các quyển - cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô, xác lập bảng mục từ, các loại hình mục từ ngắn, trung bình, dài và rất dài, biên soạn các mục từ mẫu, hình minh họa cho các mục từ...; các nguyên tắc chung về biên soạn bách khoa toàn thư để đảm bảo tính thống nhất trong biên soạn ở tất cả các mục từ, đảm bảo kế thừa và phát triển tri thức của thế giới, đảm bảo bộ bách khoa toàn thư là kho tàng tri thức mang bản sắc của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hoá nghệ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, an ninh và quốc phòng. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đã đề cập những khó khăn và thuận lợi trong biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và thể hiện quyết tâm thực hiện Đề án quan trọng này.
Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam là loại bộ bách khoa thư tổng hợp cỡ lớn, bao quát mọi lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, an ninh và quốc phòng, nâng cao trình độ văn hóa khoa học của nhân dân, góp phần giao lưu văn hóa thế giới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.